LỜI NÓI ĐẦU
Là một trong ba bộ phận cấu thành Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo Triết học Mác – Lênin vào thực tiễn Việt Nam, tạo ra vũ khí tinh thần sắc bén trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập Triết học Mác – Lênin trong các trường đại học và cao đẳng hiện nay, theo tinh thần từng bước chuẩn hoá giáo trình quốc gia, chúng tôi biên soạn cuốn: “Triết học Mác – Lênin – Đề cương bài giảng và hướng dẫn ôn tập”, một mặt nhằm đáp ứng yêu cầu thống nhất về chương trình, thời gian trong qui trình đào tạo; mặt khác còn là tài liệu hướng dẫn giúp cho giảng viên, sinh viên thực hiện đúng theo qui chế học vụ trong quá trình giảng dạy và học tập môn Triết học Mác – Lênin.
Tài liệu này được biên soạn với sự tham khảo chủ yếu từ bộ giáo trình “Triết học Mác-Lênin” của Bộ Giáo dục và Đào tạo và giáo trình Triết học Mác – Lênin của Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, năm 1999. Thực hiện nội dung: “Chương trình môn Triết học Mác – Lênin”, dùng trong các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 8/2002 – Tài liệu dùng trong lớp tập huấn giảng viên Mác-Lênin các trường đại học và cao đẳng khu vực phía Nam, tháng 8 năm 2002. Và nhất là quá trình thực hiện “Giáo trình Triết học Mác – Lênin”, dùng trong các trường đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
Chương trình Triết học Mác – Lênin được sắp xếp theo lôgíc nội tại của bản thân tri thức triết học. Đề cương bài giảng là phần giới thiệu chương trình môn học và đồng thời trong tài liệu này chúng tôi biên soạn hệ thống những câu hỏi theo từng bài giảng để giúp cho sinh viên tự nghiên cứu nâng cao chất lượng học tập của mình và đồng thời hướng dẫn cho sinh viên ôn tập để thi môn Triết học Mác – Lênin ngày một tốt hơn.
Việc giảng dạy chương trình Triết học Mác – Lênin hiện nay ở các trường đại học và cao đẳng cũng không thống nhất do tính đặc thù của mỗi trường. Trên thực tế có trường dạy môn lịch sử triết học là một môn độc lập; nhưng đa số các trường không giảng dạy môn Lịch sử triết học. Chính vì vậy, khi biên soạn cuốn sách này chúng tôi rất quan tâm đến nội dung của phần Lịch sử triết học. Mặc dù nội dung của phần này được chúng tôi trình bày mang tính khái quát, nhưng nó phản ánh tương đối đầy đủ và có hệ thống toàn bộ lịch sử triết học, để từ đó sinh viên mới hiểu được tính tất yếu khách quan và qui luật quá trình hình thành và phát triển của Triết học Mác – Lênin. Và như vậy, chúng tôi cho rằng sinh viên không chỉ có tài liệu tham khảo khi nghiên cứu Triết học Mác – Lênin trong lịch sử phát triển của triết học, mà nó còn có ý nghĩa trong quá trình tự nghiên cứu của sinh viên đối với lịch sử triết học, để sinh viên có thể tự so sánh, tự liên hệ mở rộng thêm khi luận chứng về những nguyên lý cơ bản của Triết học Mác – Lênin.
Cuốn sách này được phân công biên soạn như sau: TS. Đào Duy Thanh: chủ biên, biên soạn chương 1, 2, 3, 10 và 15; TS. Lê Thị Kim Chi, biên soạn chương 4, 11 và 14; TS. Phạm Văn Boong, biên soạn chương 5, 6, 9 và 12; Thạc sĩ Đinh Huy Nhân, biên soạn chương 7, 8 và 13.
Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã cố gắng từng bước chuẩn hoá giáo trình quốc gia môn Triết học Mác – Lênin, song khó tránh khỏi những hạn chế. Các tác giả mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để kịp thời sửa chữa, bổ sung trong những lần tái bản sau.
Thư từ, ý kiến trao đổi xin vui lòng liên hệ với Bộ môn Mác – Lênin, Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Tất Thành, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh).
Vui lòng đợi ...