Danh mục sản phẩm
Thống kê
  •   Đang online
    137
  •   Hôm nay
    627
  •   Hôm qua
    1103
  •   Tổng truy cập
    318154
  •   Tổng sản phẩm
    233
  • 0 - 100,000 đ        

    DỊCH VỤ VÀ QUAN HỆ TRAO ĐỔI MỘT SỐ SẢN PHẨM “ĐẶC BIỆT” KHÁC HÀNG HÓA THÔNG THƯỜNG TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY

    Các bạn biết đấy, khi mà 1 sản phẩm hội tụ 3 yếu: là sản phẩm của lao động, thỏa mãn nhu cầu của con người  và được trao đổi mua bán, thì sản phẩm đó trở hàng hóa.
    Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Mác, hàng hóa được nói đến chủ yếu là là các sản phẩm hữu hình (các hàng hóa tồn tại dạng vật thể) như: gạo, bàn, máy móc, nhà cửa. … Các hàng hóa vô hình ít được đề cập hơn, ngoại trừ hàng hóa Sức lao động , sau này được ông nói tới.
    Có nhiều tranh luận xung quanh về học thuyết giá trị của Mác, khi ngày nay, có một số sản phẩm đặc biệt được đem ra trao đổi, mua bán trên thị trường như: dịch vụ, như quyền sử dụng đất, thương hiệu, chứng khoán… liệu bản chất nó có phải hàng hóa không? Nếu là hàng hóa, thì 2 thuộc tính của nó là gì?
    Video này sẽ cùng các bạn lý giải câu hỏi trên các bạn nhé.


     
    1. Dịch vụ có phải là hàng hóa?
    Xung quanh chúng ta xuất hiện nhiều các loại hình dịch vụ, như dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân, dịch vụ trông xe, dịch vụ dạy kèm , dịch vụ taxi, dịch vụ lau dọn nhà cửa, dịch vụ môi giới…. Và các dịch vụ này, có xu hướng ngày càng phát triển, ngày càng đa dạng, đáp ứng yêu cầu xã hội.
    Về lý luận hàng hóa của Mác, tôi khẳng định, dịch vụ là 1 loại hàng hóa các bạn nhé. Có điều, dịch vụ là một loại hàng hóa vô hình, khác với những loại hàng hóa vật thể hữu hình như bàn, như gà, như gạo …mà chung ta thấy trong các ví dụ trước.
    Lý do, dịch vụ cũng là sản phẩm của lao động, cũng thỏa mãn nhu cầu của người mua và cũng thông qua trao đổi mua bán.
    Cụ thể, xét về thuộc tính, thì dịch vụ cũng có 2 thuộc tính là giá trị và giá  trị sử dụng. Giá trị sử dụng của dịch vụ là công dụng của dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người mua, còn giá trị của dịch vụ cũng được quyết định bởi hao phí lao động của người tạo ra dịch vụ.
    Ta lấy ví dụ: dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân chẳng hạn.
    Trong dịch vụ khám chưa bệnh, bác sỹ sẽ phải bỏ hao phí sức lao động (về thần kinh, cơ bắp) để tư vấn, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Mục đích của quá trình này, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân. Sau khi khám xong, bác sỹ sẽ nhận được tiền công (tức là xuất hiện trao đổi mua bán).
    Về mặt thuộc tính, dịch vụ khám chưa bệnh có 2 thuộc tính cơ bản: Thuộc tính giá trị sử dụng là đáp ứng nhu cầu của khách hàng (bệnh nhân). Còn, thuộc tính giá trị chính là hao phí lao động của bác sỹ tạo ra dịch vụ.
    Thời kỳ của Mác  nghiên cứu, thì dịch vụ chưa phát triển mạnh và đa dạng như bây giờ, chủ yếu vẫn là sản xuất hàng hóa vật thể. Mác chưa có điều kiện để trình bày dịch vụ với tư cách là một hàng hóa một cách sâu sắc, điều này làm cho nhiều người lầm tưởng Mác chỉ biết tới hàng hóa vật thể, nhưng trái lại, thì Mác cũng chia dịch vụ theo 2 khu vực: dịch vụ cho sản xuất và dịch vụ cho tiêu dùng.
    Vậy, dịch vụ khác với hàng hóa thông thường ở đâu?
    Thứ nhất, dịch vụ là hàng hóa vô hình, không cầm nắm, cân đo đong đếm được như hàng hóa dạng vật lý thông thường. Việc đánh giá dịch vụ cũng mang tính chất tương đối, phần nhiều mang tính chất chủ quan. Ví dụ: dịch vụ cắt tóc, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ khám chữa bệnh…
    Thứ hai, phần lớn dịch vụ là hàng hóa không thể cất trữ . Việc sản xuất và tiêu dùng hàng hóa dịch vụ phải diễn ra đồng thời.
    Ví dụ: Với dịch vụ khám chữa bệnh, khi bác sỹ bỏ hao phí lao động thì bệnh nhân cũng là người sử dụng dịch vụ ngay tại thời điểm đó; với dịch vụ nhà hàng, khi người phục vụ nhà hàng phục vụ thực khách, cũng là lúc khách sử dụng dịch vụ ngay lúc đó.
    Tuy nhiên, tôi vẫn dùng từ phần lớn thay vì khẳng định tất cả dịch vụ đều là hàng hóa không thể cất trữ, bởi, trong thời đại ngày này, vẫn có loại dịch vụ, theo tôi có thể cất trữ được.
    Ví dụ: Dịch vụ dạy học truyền thống không thể cất trữ được, còn các sản phẩm số như Khóa học online người giáo viên có thể dạy và đóng gói sản phẩm và bán cho người học. Người tiêu dùng có thể mua , và có thể sử dụng dịch vụ dạy học đó bất cứ lúc nào. Tương tự như vậy, các sản phẩm số khác như ca nhạc, phim ảnh theo tôi, vẫn là những dịch vụ có thể bảo tồn và tích trữ được.
    Rõ ràng, khi trình độ khoa học công nghệ càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần con người ngày càng cao, thì các loại hàng hóa đặc biệt theo đó xuất hiện càng nhiều.


    Tài liệu tham khảo : Kinh tế chính trị Mác Lênin
     
    1. Các loại hàng hóa đặc biệt khác với hàng hóa thông thường
    Thế giới hàng hóa rất đa dạng, ngoài những loại sản phẩm là kết quả của lao động, có đầy đủ các thuộc tính mà Mác nêu ra thì , còn có những sản phẩm mang đặc tính hàng hóa nhưng rất khác với hàng hóa thông thường. Sự khác biệt này, theo nghĩa chúng có những đặc trưng như: có giá trị sử dụng, có giá cả và được trao đổi mua bán; nhưng lại không do hao phí lao động trực tiếp tạo ra như các hàng hóa thông thường. Ta sẽ tìm hiểu một số hàng hóa đặc biệt sau:
    • Thứ nhất, quyền sử dụng đất.
    Quyền sử dụng đất, về bản chất cũng được coi là hàng hóa, nó được trao đổi mua bán trên thị trường (chúng ta gọi là thị trường bất động sản). Nhưng hàng hóa này, rất đặc biệt. Chúng ta cùng phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa này xem sao:
    Hàng hóa quyền sử dụng đất cũng có 2 thuộc tính: giá trị sử dụng và giá trị.
    Giá trị sử dụng của hàng hóa quyền sử dụng đất, để làm nhà , để mở cửa hàng, mở trang trại hoặc cho thuê …
    Còn về mặt giá trị của quyền sử dụng đất, tức là hao phí lao động để khai hoang, lấn biển… phát hiện ra mảnh đất mới.
    Tuy nhiên, ở Việt Nam và rất nhiều quốc gia, đất đai là sở hữu của nhà nước, nên người ta chỉ được quyền sử dụng đất mà thôi; người ta giao dịch với nhau, là giao dịch quyền sử dụng đất các bạn nhé. Cụ thể thì người ta chỉ có thể sử dụng bề mặt của miếng đất cho mục đích sống, kinh doanh, hoặc để tích lũy tài sản …. Vì vậy, quyền sử dụng đất có giá trị sử dụng rất lớn. Do được mua bán trên thị trường, quyền sử dụng đất có giá cả; nhưng khác vơ’i hàng hóa thông thường (giá cả phụ thuộc vào giá trị và quan hệ cung cầu) thì giá cả của quyền sử dụng đất không tt do hao phí lao động tạo ra mà chịu sự tác động của nhiều yếu tố: giá trị của tiền, quan hệ cung cầu, đầu cơ, sự khan hiếm, tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số…
    Ví dụ: Một dự án làm đường, hay mở khu đô thị, có thể làm giá cả quyền sử đất ở khu vực đó tăng lên. Hay như, khi lạm phát, tiền mất giá, cũng làm giá quyền sử dụng đất tăng …
    Trong xã hội hiện đại, có một bộ phận người trở nên giàu nhờ việc mua bán quyền sử dụng đất. Bản chất hiện tượng này là gì, có phải là đất sinh ra lợi nhuận không?
    Về bản chất, khi nhà đầu tư mua quyền sử dụng đất, chính là chuyển hình thái giá trị tiền tệ sang hình thái giá trị của cải (tức là quyền sử dụng đất). Nếu như, thị trường luôn cân bằng, không có thay đổi về nhu cầu của xã hội đối với đất đai, thì việc chuyển sang hình thái giá trị của cải đất đai, không thể sinh lời. Nhưng,các bạn biết đó, quỹ đất thì luôn có giới hạn, dân số gia tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển theo quá trình đô thị hóa… nên, nhu cầu về quyền sử dụng đất như xây nhà, mở cửa hàng, mở đường, mở đô thị …. nó làm cho cầu về bất động sản có xu hướng tăng dần theo thời gian. Người sở hữu quyền sử dụng đất sẽ kiếm lời sau một thời gian tích lũy giá trị quyền sử dụng đất. Trong trường hợp như vậy, tiền ban đầu là phương tiện thanh toán, không phải là thước đo giá trị. Hiện tượng, tiền mua đất bán sinh lời không làm gia tăng thêm giá trị cho xã hội, nó chỉ làm dịch chuyển và phân phối lại giá trị thôi. Nên nếu chỉ mua bán quyền sử dụng đất, xã hội không giàu có lên. Rất nhiều chính phủ, kể cả Việt Nam đã phải đưa ra những chính sách để điều hòa và kiểm soát giá cả quyền sử dụng đất.
    • Hàng hóa đặc biệt thứ hai, Thương hiệu.
    Thương hiệu cũng được coi là 1 loại hàng hóa, khi nó có giá trị sử dụng là công dụng, là tính hữu ích và bản thân nó cũng có giá trị bởi để tạo ra thương hiệu thì nó người ta cũng phải bỏ ra hao phí lao động để làm việc, để rèn luyện để được công nhận mức uy tín nhất định.
    Ví dụ: Một cầu thủ bóng đá nổi tiếng như Messi, Ronaldo …. là cầu thủ bóng đá có thương hiệu. Để xây dựng được thương hiệu cá nhân, họ phải nỗ lực rèn luyện, tức là bỏ hao phí lao động để xây dựng uy tín cá nhân. Hay như hãng cà phê Trung Nguyên, để đạt công nhận là thương hiệu mạnh ở Việt Nam và quốc tế, thì chủ sở hữu công ty đó ngoài việc đầu tư vốn, họ phải bỏ hao phí lao động, trí tuệ quản lý, chiến lược kinh doanh, nghiên cứu sản phẩm, cạnh tranh thị trường…
    Điểm cần chú ý là, thương hiệu có thể được hình thành dựa trên một kiểu sản xuất hàng hóa, dịch vụ thực mới có giá cả cao.
    Nhưng tại sao, lại xếp thương hiệu là hàng hóa đặc biệt, bởi:
    Thương hiệu hàng hóa vô hình, nó khác với hàng hóa dạng vật lý thông thường. Nên người ta chỉ có thể đánh giá chất lượng giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa này qua cảm nhận, qua sự kỳ vọng. Và sự đánh giá đó có thể là đúng hoặc có thể là sai. Do thương hiệu mang tính ước lượng, nên rất khó để định giá trị của thương hiệu. Thương hiệu có giá cả, nhưng giá cả chủ yêu được quyết định bởi quan hệ cung cầu, hoặc sự kỳ vọng chứ nó không được quyết định bởi giá trị, là hao phí lao động tạo ra thương hiệu.
    Ví dụ: Một ca sỹ có tài năng, xây dựng được hình ảnh thương hiệu mạnh, và thường xuyên được mời đi biểu diễn và quảng cáo. Khí đó, giá cả thương hiệu của ca sỹ này rất cao. Tuy nhiên, nếu ca sỹ này vướng phải scandan, lập tức hình ảnh của cô sẽ bị sụt giảm, và mất hết các hợp đồng biểu diễn, và quảng cáo. Như vậy, giá cả thương hiệu của ca sỹ được quyết định bởi sự kỳ vọng và quan hệ cung cầu là chính chứ không hẳn là do hao phí lao động của cô ấy, bởi cho dù, trước và sau khi bị scandan, chất lượng giọng hát và biểu diễn của cô vẫn không thay đổi.
    Quay trở lại ví dụ , về cầu thủ bóng đá có thương hiệu như Messi chẳng hạn. Messi được định giá rất cao khi về các câu lạc bộ nổi tiếng. Thương hiệu của anh ta được quyết định bởi nhiều yếu tố, như tài năng, sự khan hiếm và sự kỳ vọng của chủ câu lạc bộ khi Messi tham gia Câu lạc bộ. Các hàng hóa thông thường thì về dài hạn,giá cả được quyết định bởi hao phí lao động tạo ra hàng hóa. Nhưng thương hiệu thì yếu tố quyết định nhất lại là sự kỳ vọng hoặc quan hệ cung cầu. Bởi nếu Messi vô tình dính tội “bán độ” hoặc dùng “chất kích thích” thì giá cả thương hiệu của anh ta sẽ tụt rất thấp, ít được ra sân hơn, thậm chí bị chấm dứt hợp đồng. Một lý do khác, nếu có rất nhiều cầu thủ tài năng như Messi cùng xuất hiện, thì chưa chắc Messi sẽ là một tên tuổi thương hiệu mạnh. Do đó, khan hiếm tài năng và sự kỳ vọng sẽ quyết định tới giá cả của thương hiệu, chứ hẳn là hao phí lao động, hay tài năng của cầu thủ bóng đá.
    • Hàng hóa đặc biệt thứ 3, chứng khoán, chứng quyền và một số giấy tờ có giá.
    Ngày nay, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) do các công ty, doanh nghiệp cổ phần phát hành hoặc các giấy tờ có giá như ngân phiếu, thương phiếu có thể trao đổi mua bán, đem lại lượng tiền lớn cho người mua bán.
    Về bản chất, đây cũng được coi là hàng hóa, được mua bán trên thị trường chứng khoán. Nó có giá trị sử dụng, đó là mang lại thu nhập cho người sở hữu chứng khoán, và cổ đông lớn có thể chi phối hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Về mặt giá trị, khi mua chứng khoán, hình thái giá trị tiền sẽ chuyển sang hình thái giá trị chứng khoán, tức là bản thân chứng khoán có hao phí lao động kết tinh (ở trạng thái gián tiếp). Tuy nhiên, chứng khoán được xếp vào loại hàng hóa đặc biệt, vì:
    Chứng khoán, chứng quyềnlà loại yếu tố phái sinh, nó được phát hành ở một lượng nhất định và các giao dịch chủ yếu trên thị trường thứ cấp (thị trường chứng khoán). Giá cả của chứng khoán sẽ lên xuống theo quan hệ cung cầu và theo sự kỳ vọng của nhà đầu tư, chứ không hoàn toàn được quyết định bởi giá trị gốc của chứng khoán. Cũng giống như quyền sử dụng đất, việc mua bán chứng khoán không hề tạo ra giá trị mới, nó là sự dịch chuyển giá trị tự người đầu tư này sang người đầu tư khác mà thôi. Toàn thể xã hội không thể giàu có được bằng con đường duy nhất là buôn bán chứng khoán, và chứng quyền. Thị trường chứng khoán là kênh rất quan trọng để huy động vốn đầu tư, nhưng ở thị trường này, có nhiều người giàu lên, cũng có nhiều người nghèo đi, thậm chí phá sản, khi chứng khoán mất giá, hoặc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

    Vậy tóm lại, các loại hàng hóa đặc biệt khác với hàng hóa thông thường có được biểu hiện ở các điểm chính sau:
    • Một là, đó là hàng hóa vô hình, không cân đo, đong đếm được như các hàng hóa thông thường.
    • Hai là, giá cả của hàng hóa được quyết định  bởi quan hệ cung cầu và sự kỳ vọng chứ không phải là hao phí lao động trực tiếp như hàng hóa thông thường.
    • Ba là, các hàng hóa đặc biệt có thể được giao dịch ở thị trường thứ cấp mà thị trường này mới là thị trường quyết định giá cả của hàng hóa đặc biệt.
    Các bạn thân mến, nghiên cứu dịch vụ và các hàng hóa đặc biệt là vấn đề mới, mà lý luận của Mác chưa đề cập sâu, sẽ có nhiều tranh luận để làm rõ hơn vấn đề thú vị này. Với phần trình bày trên của tôi, có thể cón nhiều ý kiến trao đổi, các bạn có thể để lại comment để cùng làm rõ hơn về vấn đề này nhé.
    TIN TỨC KHÁC
  • Vui lòng đợi ...

    Đặt mua sản phẩm

    Xem nhanh sản phẩm