Có nhiều cách đưa ra khái niệm thị trường, ở đây, ta sẽ tiếp cận theo nghĩa hẹp và cả nghĩa rộng.
+ Theo nghĩa hẹp, đơn giản chỉ là nơi diễn ra hành vi trao đổi, mua bán hàng hóa giữa các chủ thể kinh tế với nhau.
Nói như vậy, Thị trường có thể là 1 cái chợ, siêu thị, cửa hàng mua bán… đó là nơi mà người mua và người bán gặp và mua bán hàng hóa với một mức giá xác định. Với khái niệm theo nghĩa hẹp này, thị trường chỉ tồn tại 2 thực thể người tham gia là người mua và người bán. Thị trường phải có là 1 địa điểm cụ thể để diễn ra hoạtđộng mua bán (ví dụ : đầu mom sông, đầu làng, mặt đường, ngã ba…)
Tuy nhiên, khi mà lực lượng sản xuất phát triển, quá trình trao đổi mua bán bây giờ trở nên phức tạp hơn, có nhiều tác nhân tham gia vào quá trình mua bán hàng hóa như: sự xuất hiện của nhà đại lý cấp 1, đại lý cấp 2, đại lý trung gian, môi giới, nhà nước tham gia điều tiết, rồi thị trường online, website …. Chính vì vậy, khái niệm thị trường cần được hiểu một cách rộng hơn, toàn diện hơn, cho phù hợp với bối cảnh hiện tại.
+ Theo nghĩa rộng, thị trường là tổng hòa các mối quan hệ liên quan đến trao đổi, mua bán hàng hóa trong xã hội, được hình thành trong những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội nhất định.
Với cách tiếp cận này, thị trường không chỉ giới hạn bởi mối quan hệ giữa người mua và người bán như trước nữa, nó là tổng hòa các mối quan hệ liên quan đến trao đổi, mua bán hàng hóa trong xã hội. Có nghĩa là, nó trở lên phức tạp hơn ; thực tế cho thấy, hàng hóa được cung cấp ra thị trường, đến tay người mua, song người mua phần lớn đâu có mua trực tiếp từ người sản xuất đâu, mà họ mua từ các đại lý bán lẻ, trung gian. Mối quan hệ giữa người sản xuất – tiêu dùng gắn với sự xuất hiện của các đại lý trung gian. Mặt khác, hàng hóa khi được đưa ra thị trường phải có sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng chính sách, bằng pháp luật… Các chủ thể kinh tế bao gồm cả người mua, người bán, người đại lý trung gian đều chị sự giám sát, quản lý của nhà nước.
Ngoài ra, không chỉ có mối quan hệ cung – cầu (giữa người mua và người bán) phức tạp hơn, mối quan hệ hàng hóa – tiền tệ, mối quan hệ hợp tác – cạnh tranh … cũng đòi hỏi thay đổi. Đơn cử, Sự lớn mạnh của hệ thống ngân hàng, tín dụng làm cho quá trình trao đổi hàng hóa thuận tiện hơn. Khách hàng bây giờ có cần phải trả tiền trực tiếp đâu, họ mua hàng trả góp, hoặc trả qua thẻ tín dụng, chuyển khoản. Người mua, người bán, ngân hàng tạo ra sự hợp tác thúc đẩy thị trường.
Do vậy, nói thị trường là tổng hòa các mối quan hệ liên quan đến quá trình mua bán là vì lý do đó các bạn nhé.
Một khía cạnh khác, thị trường được hình thành ở cácđiều kiện lịch sử khác nhau thì khác nhau (ví dụ: Thị trường hiện nay khác với thị trường những năm 90, hay những năm 80 do sự tiến bộ khoa học công nghệ, số hóa, internet, kinh doanh online được áp dụng ngày càng rộng rãi hơn.)
Ở các điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau thì cũng khác nhau (ví dụ : thị trường ở Việt Nam khác với thị trường ở Châu Âu hay ở Mỹ ; thậm chí, do văn hóa, tôn giáo khác nhau, nên thị trường ở các khu vực cũng khác nhau, ví dụ : thị trường thịt lợn ở Việt Nam rất quan trọng đối với chỉ số giá tiêu dùng vì nó là thực phẩm phổ biến đối với người Việt ; nhưng đối với các nước hồi giáo, họ không ăn thịt lợn, thì thị trường thịt lợn ở các nước này, chẳng có ý nghĩa nhiều đối với kinh tế nước họ)
Tuy nhiên, các bạn lưu ý rằng, khái niệm thị trường dù được hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì, tất cả các quan hệ và yếu tố kinh tế trong thị trường đều phải vận động theo quy luật của thị trường nhé. Quy luật của thị trường là quy luật như thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu ở các video sau.
Bây giờ chúng ta sang đến Phân loại thị trường.
Có nhiều cách phân loại thị trường tùy theo tiêu thức hoặc mục đích nghiên cứu :
+ Căn cứ vào mục đích sử dụng hàng hóa, có thị trường tư liệu sản xuất và thị trường tư liệu tiêu dùng. Tư liệu sản xuất bao gồm như : máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nguyên nhiên vật liệu. Đó phần lớn là các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Tư liệu tiêu dùng gồm các nhu yếu phẩm, vật phẩm phục vụ trực tiếp đời sống con người. Tuy nhiên, sự phân chia 2 nội dung này có sự giao thoa.
Ví dụ : cùng là miếng thịt lợn, đối với người dân nó là Tư liệu tiêu dùng (để ăn), còn đối với các nhà máy chế biến đồ hộp nó là tư liệu sản xuất. Hay như, xăng dầu là tư liệu tiêu dùng cho người dân sử dụng ô tô, còn đối với nhà máy thì đó là tư liệu sản xuất.
+ Căn cứ vào đầu vào và đầu ra của sản xuất, có thị trường các yếu tố đầu vào và thị trường hàng hóa đầu ra. Tuy nhiên, giống như trên, Sự phân biệt này cũng có tính chất tương đối nhé, Ví dụ : Xăng là thị trường đầu ra của quá trình sản xuất củanhà máy lọc dầu, nó lại là thị trường đầu vào của quá trình sản xuất hàng hóa khác.
+ Căn cứ vào phạm vi hoạt động, có thị trường trong nước và thị trường thế giới.
+ Căn cứ vào tính chuyên biệt của thị trường có thể chia thị trường gắn với các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như : thị trường gạo, thị trường xăng dầu, thị trường vàng…
+ Căn cứ vào tính chất và cơ chế vận hành của thị trường, có thị trường tự do, thị trường có điều tiết, thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, thị trường độc quyền. Các khái niệm này, các bạn sẽ được học kỹ hơn ở các môn học về kinh tế khác nhé.
Bây giờ, chúng ta nói sang, Vai trò của thị trường :
Thị trường có nhiều vai trò : Một là, thị trường là điều kiện, môi trường cho sản xuất phát triển
Hàng hóa được sản xuất nhằm mục đích trao đổi, mua bán. Và đương nhiên, nó phải thông qua thị trường. Nếu một hàng hóa, không được thị trường chấp nhận, có nghĩa là hàng hóa đó không bán được, quá trình sản xuất sẽ bị thu hẹp thậm chí là đổ gãy. Ví dụ : sản xuất thịt lợn đông lạnh ở các nước hồi giáo, rõ ràng là không được thị trường chấp nhận nên không thể phát triển được.
Ngược lại, nếu quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ được thị trường chấp nhận rộng rãi, thì đó là động lực thúc đẩy sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường đòi hỏi. Thị trường điện thoại di động ở Việt Nam là một ví dụ, chỉ trong khoảng 15 năm gần đây, tốc độ tăngtrưởng của thị trường điện thoại thông minh tăng rất nhanh do thị hiếu và nhu cầu của người dân Việt Nam về điện thoại rất lớn.
Thị trường chính là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, nó đặt ra các nhu cầu cho sản xuất, nhu cầu cho tiêu dùng và thỏa mãn các nhu cầu đó. Do đó thị trường có vai trò thông tin, định hướng cho mọi nhu cầu sản xuất kinh doanh. Vai trò thứ hai của thị trường là, thị trường kích thích sự sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội, tạo ra cách thức phân bổ nguồn lực hiệu quả trong nền kinh tế.
Trở lại với ví dụ thị trường điện thoại ở Việt Nam, khi được xã hội chấp nhận nó chính là động lực thúc đẩy sự sáng tạo cải tiến mẫu mã, chất lượng ; một mặt để đáp ứng thị hiếu của người dân, mặt khác để cạnh tranh với các đối thủ khác mở rộng thị phần. Suy cho cùng, khi sự sáng tạo được thị trường chấp nhận, nhà sản xuất sẽ được thụ hưởng lợi ích tương xứng, lợi nhuận nhiều hơn trở thành động lực cho sự sáng tạo….
Thị trường không chỉ kích thích sự sáng tạo, mà nó còn là sự thanh lọc tự nhiên đối với các chủ thể sản xuất. Dưới sức ép của quy luật cạnh tranh, các chủ thể sản xuất luôn phải đối mặt với nguy cơ bị thôn tính nếu không có sự phân bổ nguồn lực và một chiến lược hiệu quả. Hãng nokia là một thương hiệu mạnh hàng đầu vào đầu những năm nghìn, nhưng hiện nay, dòng điện thoại này, đã bị tụt lại dưới sức ép của các hãng lớn như Iphone, Samsung…
Như vậy, Dưới sự tác động khắc nghiệt của các quy luật thị trường buộc các chủ thể tham gia thị trường phải tích cực, năng động, sáng tạo và nhạy bén để tồn tại và phát triển.
Vai trò thứ Ba là, thị trường gắn kết nền kinh tế thành một chỉnh thể, gắn kết nền kinh tế quốc gia với nền kinh tế thế giới.
Các em biết rằng, một nền kinh tế thì bao gồm nhiều quá trình sản xuất. Các đơn vị sản xuất, không tồn tại độc lập với nhau mà ít nhiều liên quan, tác động với nhau. Hay nói cách khác, nền sản xuất là một bức tranh tổng thể được tạo bởi nhiều miếng ghép khác nhau. Sự kết dính của các miếng ghépnày chính là thị trường. Thị trường chính là chất xúc tác gắn kết chặt chẽ, tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau, quy định lẫn nhau giữa các chủ thể kinh tế, giữa các địa phương, các ngành nghề, các lĩnh vực tạo thành một thị trường chung.
Ví dụ như : Quá trình sản xuất đồ hộp đông lạnh chẳng hạn. Để có được sản phẩm đồ hộp đưa ra thị trường, cần phải nhiều quá trình sản xuất nhỏ kết hợp như : sản xuất thịt (từ nông dân), sản xuất gia vị (từ các nhà máy chế biến gia vị), sản xuất hộp (từ các nhà máy gia công), sản xuất tem mác, quảngcáo , maketting, vận chuyển…. rất nhiều. Khi thị trường chấp nhận đó là sản phẩm rất thuận tiện trong sinh hoạt của người dân, thì các loại sản xuất kia cũng sẽ được chấp nhận, nó chính là cơ hội, là chất kết dính các quá trình sản xuất lại với nhau. Cái mà chúng ta vẫn gọi là sự phân công lao động xã hội. Điều thú vị là sự phân công lao động xã hội không phụ thuộc vào địa giới hành chính, có thể sản xuất ở bất kỳ một tỉnh thành nào nếu chi phí và chất lượng hợp lý đối với nhà sản xuất.
Tương tự như vậy, khi nền sản xuất được mở rộng ra ngoài lãnh thổ quốc gia, thị trường làm cho nền kinh tế trong nước gắn với nền kinh tế thế giới, kinh tế trong nước từng bước tham gia vào quá trình hợp tác và phân công lao động quốc tế. Sản xuất điện thoại samsung, điện lạnh LG, Sony là một ví dụ. Việt Nam chúng ta có thể không phát minh, sản xuất ra sản phẩm nguyên bản, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một mắt xích trong dây chuyền hợp tác và phân công lao động quốc tế. Tóm lại, vấn đề « Thị trường » là một vấn đề tuy không xa lạ mà lại rất mới, vì nó luôn luôn thay đổi theo sự phát triển của lực lượng sản xuất, của khoa học công nghệ. Nhiều ngành nghề mới, nhiều thị trường mới được xuất hiện, và đương nhiên, vai trò của thị trường ngày càng càng quan trọng đối với nền kinh tế. Hiểu được bản chất, vai trò của thị trường chính là cơ sở để chúng ta khẳng định phát triển kinh tế thị trường là đúng đắn, là khách quan, các bạn nhé.
Phần 2. Cơ chế thị trường
Thuật ngữ này khá quen thuộc khi chúng ta nói về vấn đề thị trường. Thị trường dù hiểu theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng đều cần phải vận động theo cơ chế thị trường, có như vậy mới phân bổ nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy sản xuất và trao đổi hàng hóa.
Về mặt nghĩa từ, Ta thấy « cơ chế » là cách thức vận hành, hoạt động của một bộ máy, hay 1 tổ chức. Các yếu tố trong bộ máy, tổ chức đó hoạt động theo những quy tắc nhất định. Ví dụ ta hay nghe : cơ chế 1 cửa, cơ chế bao cấp hay cơ chế thị trường… Từ đó, thuật ngữ Cơ chế thị trường là hệ thống các quan hệ kinh tế mang đặc tính tự điều chỉnh các cân đối của nền kinh tế theo yêu cầu của các quy luật kinh tế.
Nói cách đơn giản là chính các quy luật thị trường (như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị…) sẽ hình thành nên mức giá và sản lượng thị trường. Người bán người mua thông qua thị trường sẽ xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ.
Ta lấy 1 Ví du về quy luật cung cầu và giá cả : khi giá cả thịt lợn tăng, cung không đổi, cầu về hàng hóa này sẽ giảm. Ngược lại, khi giá cả thịt lợn giảm, cung không đổi, cầu hàng hóa này tăng. Quy luật này, nó vận động khách quan, các chủ thể kinh tế dù muốn hay không muốn, nó đều diễn ra như vậy. Cho nên, nó tạo thành cơ chế vận hành, tự điều chỉnh trong nền kinh tế thị trường.
A.Smit là nhà kinh tế học ở thế kỷ 18, ông ủng hộ luận điểm cơ chế thị trường tự điều chỉnh sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế tối đa, nhà nước không nên can thiệp vào nền kinh tế. Chính vì vậy, ông ví, cơ chế thị trường như « bàn tay vô hình » có khả năng tự điều chỉnh quan hệ kinh tế.
Lý thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith có những lợi ích nhất định, Tuy nhiên sau này, khi nền kinh tế các nước ngày càng trở nên phức tạp, thuyết Bàn tay vô hình đã bộc lộ những điểm lạc hậu và bất hợp lí, đặc biệt là cuộc Đại khủng hoảng kinh tế tại Mỹ và Tây Âu những năm 1929 - 1933 đã cho thấy cơ chế tự điều chỉnh của thị trường tự do nhiều khi đã phản tác dụng, dẫn tới đầu cơ, bong bóng tài chính và khủng hoảng kinh tế theo chu kì.
Vì vậy, người ta vẫn phải dùng đến vai trò điều tiết của nhà nước là "bàn tay hữu hình" thông qua luật pháp, thuế và các chính sách kinh tế để điều chỉnh nền kinh tế xã hội kết hợp với cơ chế tự điều chỉnh theo thuyết bàn tay vô hình để thúc đẩy sự phát triển về kinh tế xã hội của đất nước.
Tóm lại, trên đây là 2 nội dung cơ bản về Thị trường và cơ chế thị trường. Những kiến thức này, được coi là nền tảng để chúng ta tiếp tục lý giải bản chất của Nền Kinh tế thị trường và Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ở các video tiếp theo nhé.