Hàng hóa và hai thuộc tính của hàng của hàng hóa là gì?
Sản xuất hàng hóa ra đời dựa trên 2 điều kiện cần và đủ là :
- Phân công lao động xã hội
- Tách biệt về mặt kinh tế giữa những người sản xuất
Và một trong những biểu hiện của sản xuất hàng hóa đó chính là sản phẩm sản xuất ra là để trao đổi mua bán. Hay nói cách khác, khi xuất hiện trao đổi mua bán hàng hóa thì có nghĩa sản xuất hàng hóa ra đời.
Vấn đề đặt ra ở đây, là tại sao 1 hàng hóa này lại đổi được cho 1 loại hàng hóa khác.
Ví dụ lần trước: 1 con gà – 10 kg táo?
Cái gì là thước đo để quy đổi số lượng 1 con gà = 10 kg táo?
Bài học này sẽ giải quyết tận gốc câu hỏi đó với nội dung là:
Hàng hóa và hai thuộc tính của hàng hóa
I. Hàng hóa là gì?
Trước hết, cần phải hiểu được bản chất: Thế nào là Hàng hóa?
Theo quan điểm của Mác, hàng hóa là sản phẩm của lao động có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi mua bán.
Hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu sản xuất.
Hàng hóa có thể tồn tại ở dạng vật thể (bàn ghế) hoặc phi vật thể (phần mềm, website, phát minh …)
Với Khái niệm này, để trở thành hàng hóa thì cần phải đảm bảo 3 yếu tố
Một là, là sản phẩm của lao động
Hai là, thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người
Ba là, thông qua trao đổi mua bán
Thiếu một trong 3 điều kiện này, thì sản phẩm đó không được coi là hàng hóa.
Tôi lấy ví dụ:
- Giả sử nhà tôi nuôi một đàn gà. Cứ mỗi dịp họp mặt gia đình đều lấy gà để chế biến thức ăn cho gia đình. Như vậy dù đàn gà là sản phẩm của lao động, thỏa mãn nhu cầu ăn uống của gia đình nhưng không được coi là hàng hóa vì không được trao đổi mua bán.
- Hay như, có những loại sản phẩm có công dụng thiết yếu cho con người như nước tự nhiên, không khí… tuy nhiên, nó không phải là sản phẩm của lao động nên cũng không được coi là hàng hóa vì. Chỉ khi, nước và không khí được con người khai thác, tinh lọc, chế biến thành sản phẩm đóng chai, đóng bình oxy… và mang ra thị trường bán; tức là đã có hao phí sức lao động trong sản phẩm và được mua bán thì nó mới được coi là hàng hóa.
Một vấn đề đặt ra; tại sao hàng hóa lại có thể trao đổi được với nhau? Hay nói cách khác, hàng hóa có giá trị trao đổi? Giải quyết câu hỏi này, ta đi vào nội dung thứ hai...
Theo Mác, Dù khác nhau về hình thái tồn tại (vật thể hay phi vật thể) thì mọi thứ hàng hóa đều có 2 thuộc tính là Giá trị sử dụng và Giá trị.
a. GÍA TRỊ SỬ DỤNG
Là công dụng của hàng hóa có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người, đó có thể là nhu cầu vật chất hoặc nhu cầu tinh thần, cũng có thể là nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu tiêu dùng cho sản xuất.
Ví dụ: gạo có giá trị sử dụng để ăn, xăng để chạy ô tô, xe máy, bút để viết, điện thoại để liên lạc và giải trí… Các đặc điểm của GTSD: + Giá trị sử dụng này do thuộc tính tự nhiên (lý học, hóa học) của yêu tố tham gia cấu thành nên hàng hóa đó quy định. Hàng hóa không phải chỉ có 1 giá trị sử dụng, khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, người ta càng tìm thấy những thuộc tính mới của sản phẩm và sử dụng chúng cho những mục đích khác nhau.
Ví dụ: than đá trước kia chỉ dùng để làm chất đốt ( đun nấu), khi khoa học kỹ thuật phát triển thì người ta thấy rằng nó được dùng làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp hóa chất, làm chất dẻo, sợi nhân tạo, lọc nước, mặt nạ chống độc…
+ Giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn vì nó tồn tại trong mọi phương thức hay mọi kiểu tổ chức sản xuất.
Ví dụ: Gạo có giá trị sử dụng để ăn. Công dụng này, tồn tại từ trước tới nay; bất kể là từ chế đọ Nguyên thủy, Phong kiên, TBCN hay XHCN…
Giá trị sử dụng của hàng hóa tạo thành nội dung của cải vật chất
+ Giá trị sử dụng không phải cho bản thân người sản xuất hàng hóa, mà là cho người người tiêu dùng hàng hóa tức là giá trị sử dụng cho xã hội.
Ví dụ: CHúng ta nuôi gà, sau đó bán cho người khác. Con gà đó thuộc sở hữu bởi người mua và họ có quyền sử dụng con gà đó theo mục đích của họ.
Vậy nhắc lại, GÍA TRỊ SỬ DỤNGlà công dụng của hàng hóa có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người các bạn nhé! Bây giờ chúng ta sang đến thuộc tính thứ hai:
Giá trị của hàng hóa.
Trong nền sản xuất hàng hóa, giả sử: 1 con gà được đổi lấy 10 kg táo. Có nghĩa là gà và táo là vật mang giá trị trao đổi.
Trở lại phương trình trao đổi 1 con gà = 10 kg táo, có hai câu hỏi đặt ra, các bạn thử suy nghĩ xem?
Tại sao, gà và táo là hai loại hàng hóa khác nhau, có giá trị sử dụng khác nhau lại trao đổi được cho nhau?
Tại sao chúng lại trao đổi theo tỷ lệ nhất định 1=10?
Mác đã nghiên cứu về hàng hóa, chỉ ra rằng các loại hàng hóa dù khác nhau về kết cấu vật chất, hay khác nhau về giá trị sử dụng , công dụng thì đều có 1 cơ sở chung đó là sản phẩm của lao động. Tức là chúng đều do hao phí lao động xã hội của người sản xuất tạo thành.
Con gà , cái bàn, quả táo, cái rìu… khác nhau về kết cấu vật chất và công dụng; nhưng chúng phải do lao động của con người mới được hình thành.
Cho nên, người sản xuất trao đổi hàng hóa với nhau là chính là trao đổi lao động chứa đựng trong các hàng hóa. Các bạn nhớ nhé, thực chất họ chỉ trao đổi hao phí lao động bên trong hàng hóa đó thôi
Trong ví dụ trên:
Hao phí lao động của người nuôi gà sẽ bằng với hao phí lao động của người trồng táo. Hay nói cách khác thời gian lao động xã hội cần thiết để nuôi 1 con gà sẽ bằng thời gian lao động xã hội cần thiết trồng được 10 kg táo.
Trao đổi 1 con gà = 10 kg táo thực chất là trao đổi hao phí lao động nuôi gà lấy hao phí lao động trồng táo. Hay nói cách khác, 1 con gà có giá trị bằng 10 kg táo.
Đến đây, ta đi đến khái niệm giá trị hàng hóa nhé. Giá trị của hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa. Giá trị là nội dung bên trong hàng hóa. Nó được thể hiện ra bên ngoài bằng việc 2 hàng hóa có thể trao đổi được với nhau. Giá trị trao đổi là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của giá trị. Giá trị trao đổi là quan hệ tỷ lệ về lượng mà những giá trị sử dụng khác nhau trao đổi với nhau. Giá trị hàng hóa có Đặc trưng cơ bản sau: + Giá trị biểu hiện mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa do những người sản xuất hợp tác, trao đổi hàng hóa với nhau. + Giá trị là một phạm trù lịch sử, chỉ tồn tại trong kinh tế hàng hóa. Điều đó có nghĩa là, trong kinh tế tự nhiên (tự cấp tự túc) không có khái niệm “giá trị hàng hóa” Bây giờ chúng ta đi đến nội dung thứ ba, đó là:
MỐI QUAN HỆ GIỮA HAI THUỘC TÍNH CỦA HÀNG HÓA
Hàng hóa có hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị. Hai thuộc tính của hàng hóa có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa thống nhất vừa mâu thuẫn với nhau Mặt thống nhất thể hiện ở chỗ: Hai thuộc tính này cùng đồng thời tồn tại trong một hàng hóa, một vật phải có đầy đủ hai thuộc tính này mới là hàng hóa. Nếu thiếu một trong hai thuộc tính đó vật phẩm sẽ không phải là hàng hóa.
Chẳng hạn ví dụ, không khí tự nhiên/ nước mưa tự nhiên bên trên đã nêu=> không được coi là hàng hóa.
Hay như, hàng lỗi, phế phẩm cũng là sản phẩm của người lao động nhưng không đảm bảo được giá trị sử dụng thì không đem trao đổi được. Nên cũng không được coi là hàng hóa. Hai thuộc tính hàng hóa vừa thống nhất, nhưng lại có mặt mâu thuẫn. Mặt mâu thuẫn thể hiện ở chỗ:
Người sản xuất làm ra hàng hóa để bán, mục đích của họ là giá trị (là lợi nhuận kinh doanh) chứ không phải là mục đích giá trị sử dụng; trong tay người bán có hàng hóa tức là có giá trị sử dụng nhưng cái họ quan tâm là giá trị hàng hóa tức là lợi nhuận (vấn đề lợi nhuận, ở phần sau tôi sẽ nói kỹ hơn cho các bạn).
Ngược lại, người mua rất cần giá trị sử dụng (mua gạo để ăn, mua điện thoại để dùng liên lạc…) nhưng để có giá trị sử dụng trước hết phải mua bán (lưu thông hàng hóa). Tức là , trước hết phải thực hiện giá trị hàng hóa, sau mới chi phối được giá trị sử dụng.
Vì vậy, mâu thuẫn giữa 2 thuộc tính ở đây là: quá trình thực hiện giá trị sử dụng và giá trị là 2 quá trình khác nhau về thời gian và không gian. Quá trình thực hiện giá trị được tiến hành trước và trên thị trường, quá trình thực hiện giá trị sử dụng diễn ra sau trong lĩnh vực tiêu dùng. Nếu giá trị của hàng hóa không được thực hiện thì sẽ dẫn đến khủng hoảng sản xuất. Tóm lại, giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa vừa thống nhất vừa mâu thuẫn với nhau các bạn nhé.
Trên đây là toàn bộ phần nội dung về Hàng hóa và hai thuộc tính của hàng hóa. Lý thuyết này là nền tảng cơ sở để giải quyết các vấn đề trong kinh tế chính trịkhác như: tính 2 mặt của lao động sản xuất, nguồn gốc bản chất của tiền, sản xuất giá trị thặng dư ,…